Sau những đắn đo giữa Xiaomi Mijia Gen 2 và Xiaomi Roborock Gen 2 thì cuối cùng mình quyết định chọn Xiaomi Roborock Gen 2 vì dung lượng pin khủng, thời gian hoạt động lâu. Và dưới đây là cảm nhận của mình sau một thời gian sử dụng.
Đánh giá Xiaomi Roborock Gen 2
Thiết kế Xiaomi Roborock Gen 2
Xiaomi Roborock Gen 2 có thiết kế ổn với chiều cao 96.5mm, cân nặng 3.5kg và đường kính 35cm. Đây chưa phải dòng robot hút bụi có thiết kế nhỏ gọn nhất, nhưng về cơ bản thì vẫn chấp nhận được, đủ thấp để di chuyển vào gầm giường/tủ/ghế nhà mình.
Về màu sắc, robot hút bụi Xiaomi Roborock Gen 2 có 2 màu đen và trắng, màu nào nhìn cũng khá trang nhã, lịch sự. Mình chọn màu trắng vì lúc mới nhìn nó rất sáng, đẹp, lại hợp với tone màu tường và màu nội thất phòng ốc nhà mình. Tuy nhiên màu này nếu bị bẩn rất dễ lộ.
Các bộ phận khác như: Nút bấm, hộp rác, chổi quét, laser… được bố trí hài hòa, việc tháo ra vệ sinh đơn giản, nhanh gọn. Việc thiết kế hộp chứa rác bên trong vừa có ưu điểm lại vừa có nhược điểm. Ưu điểm nhìn nó gọn gàng, đẹp mắt hơn; nhưng hạn chế ở chỗ dung lượng của hộp nhỏ, lúc lấy rác ra có phần bất tiện.
Lực hút Xiaomi Roborock Gen 2
Xiaomi Roborock Gen 2 có lực hút 2000pa, chưa phải mạnh nhất nhưng cũng thuộc top mạnh so với các dòng robot hút bụi trên thị trường hiện nay. Lực này ăn đứt việc vệ sinh bằng chổi truyền thống, nó đủ sức hút ra một đống bụi mà trong đó có cả những hạt bụi nhỏ mà khi tán ra sờ khá nhuyễn.
Tính năng hút bụi và quét nhà là 2 tính năng tiêu chuẩn mà gần như con robot hút bụi nào thế hệ mới nào cũng được trang bị. Tuy nhiên, con Xiaomi Roborock Gen 2 nổi bật hơn ở chỗ có thêm tính năng lau nhà. Nếu để ý kỹ các bạn sẽ thấy thật ra tính năng này không có gì quá cầu kỳ, nó chỉ đơn giản là gắn thêm một module vào đít con robot, trên module có thêm một giẻ lau và một thùng nước nhỏ, cứ quét xong chỗ nào nó sẽ tiết nước ra và lau khô luôn chỗ đó.
Nhà mình nền gạch men, về cơ bản là dễ lau, lau đến đâu sạch đến đấy, khúc cuối đuối nước thì hơi khô. Mình đã test thử lên sàn gỗ gian thờ, sạch như sàn gạch men, nhưng test thử nên sàn gạch men tầng trệt – tầng có nhiều bụi bẩn cứng đầu hơn thì không còn sạch như phòng khách hay phòng ngủ.
Những vết bẩn đã két lại robot Xiaomi Roborock Gen 2 khó mà lau sạch. Tuyệt đối không để con này lau qua tương ớt, kem hay những chất kem lỏng tương tự, nó sẽ trây trét ra khắp nhà. Nhà bạn nào mà nuôi chó mèo thì càng lưu ý, vật nuôi phải vệ sinh đúng chỗ, nếu để robot này cán qua thì quả là một câu chuyện kinh khủng.
Xem thêm: Đánh Giá Robot Hút Bụi Lau Nhà Xiaomi Mijia Gen 2 Chi Tiết
Có khả năng tự vẽ bản đồ
Không nói đâu xa, chỉ tính riêng các dòng robot hút bụi lau nhà Xiaomi thì con nào cũng có khả năng tự vẽ bản đồ. Riêng con Gen 2 này có khả năng dùng sóng siêu âm để quét ra bản đồ ngôi nhà, tự hình thành lên bản vẽ, cập nhật lên điện thoại của bạn các vách tường, nhận diện được tường và vật cản để tự né ra, tránh va chạm.
Xiaomi Roborock Gen 2 có cảm biến va chạm, nếu chẳng may va chạm vào vách tường hay chướng ngại vật nào đó nó sẽ tự quay đầu, điều chỉnh đi hướng khác. Lúc mình thấy nó quay hướng này, lúc thì nó quay hướng khác, nói chung là điều hướng không cố định.
Mình thích Xiaomi bởi trong hệ sinh thái của thương hiệu này có khá nhiều sản phẩm hay ho. Với con Xiaomi Roborock Gen 2 này, các bạn có thể xây dựng khu vực dọn dẹp nhất định rồi cài đặt cho nó làm việc.
Ví dụ: Mình làm đổ café ra sàn, mình chọt lên bản đồ chỗ cần dọn và ra lệnh cho robot tới dọn dẹp. Trường hợp mọi người không ra lệnh cụ thể thì nó sẽ dọn dẹp cả căn nhà theo nhận định của nó.
Mỗi lần lau, nó sẽ tự vẽ lại bản đồ, định vị lại các vị trí cần dọn dẹp, vị trí đồ vật trong nhà. Bởi vậy mà mọi người có thể mang nó tới nhiều tầng, ở tầng nào nó cũng tự định vị, điều hướng dọn dẹp được hết.
Tham khảo thêm: Top 5 Robot Hút Hụi Lau Nhà Ecovacs Deebot Tốt Nhất 2024
Pin khủng
Dung lượng pin của con này lên đến 5200mAp, so với các dòng robot hút bụi lau nhà trên thị trường hiện nay thì thông số này đã được xếp vào “hàng khủng”. Đây cũng chính là lý do mình chọn robot hút bụi Xiaomi Roborock Gen 2 chứ không phải Xiaomi Mijia Gen 2, Mijia Gen 2 chỉ có 3200mAp.
Vì pin khủng nên thời gian hoạt động của Xiaomi Roborock Gen 2 cũng lâu hơn các dòng robot khác, lên đến 170 phút. Thời gian sạc pin là 4 giờ. Khi pin gần hết, Xiaomi Roborock Gen 2 sẽ tự động quay trở lại dock sạc, sạc chừng 80% nó lại tiếp tục công việc dọn dẹp, cứ vòng đi vòng lại như thế.
Giá thành Xiaomi Roborock Gen 2
Mình mua Xiaomi Roborock Gen 2 với giá 7,7 triệu đồng theo hình thức hàng xách tay. So với các tính năng, công nghệ mà Xiaomi trang bị cho Roborock Gen 2 thì mức giá này khá ổn, không rẻ cũng không đắt, và quan trọng là nằm trong khả năng tài chính. Con Xiaomi Mijia Gen 2 giá cũng tầm này, con Gen 3 thì đắt hơn vài triệu.
Mình thấy mức giá Xiaomi Roborock Gen 2 trên thị trường khá đa dạng, có nơi bán rẻ hơn, nơi bán đắt hơn. Giá thành không nói nên chất lượng, quan trọng là các bạn tìm chỗ mua uy tín thì dù đắt hơn một xíu nhưng mua được hàng chuẩn, dùng mới thấy đáng đồng tiền bát gạo. Xiaomi có khá nhiều hàng nhái trên thị trường Việt, chỗ nào bán rẻ quá mọi người nên cân nhắc.
Lúc mua Xiaomi Roborock Gen 2, mọi người nhớ mua thêm ít phụ kiện dự phòng (chổi quét, lưới lọc…) những đồ này xài một thời gian thì phải thay, mua sẵn thì lần sau đỡ mất công đi. Phụ kiện robot Xiaomi Roborock Gen 2 được bán tại các cửa hàng Xiaomi chính hãng.
Gọn gàng đồ đạc để robot chạy ngon
Không riêng con Xiaomi Roborock Gen 2 này đây, con robot nào cũng thế hết, muốn tối ưu hóa hiệu quả lau dọn thì người sử dụng nó cũng phải ý thức, đồ đạc trong nhà càng bố trí gọn gàng thì robot dọn dẹp càng nhanh, ít bị gián đoạn.
Còn nếu nhà bố trí quá nhiều đồ đạc, robot dễ xảy ra va chạm, cứ sau mỗi lần va chạm là nó lại tự điều hướng quay ra chỗ khác dẫn đến mất thời gian lau chùi, dễ bỏ sót vị trí và ở những khu vực để nhiều đồ nó khó mà lách vào dọn dẹp được, gần như bị bỏ qua.
Ngoài ra, nếu nhà các bạn dùng thảm chùi chân thì nên mua loại tốt, bám gạch, tránh mua mấy tấm thảm dởm, robot hút bụi dễ cuốn theo, đến một mức độ nào đó nó sẽ bị kẹt lại, người không chạy ra gỡ thì nó cũng không tự thoát ra được mớ rắc rối này. Trường hợp chúng ta không có ở nhà thì phải làm sao?
Tham khảo thêm: Đánh Giá Robot Hút Bụi Lau Nhà Thông Minh Ecovacs T5 Hero (Ozmo 950)
Nhận xét chung về máy hút bụi lau nhà Xiaomi Roborock Gen 2
Mình không phải người quá cầu kỳ, khó tính, cầu toàn trong lựa chọn các thiết bị thông minh. Nghiêm chỉnh mà nói thiết bị nào cũng có ưu và nhược điểm, miễn sao nó có nhiều ưu điểm mình cần và hạn chế có thể chấp nhận được là ok.
- Ưu điểm: Thiết kế đơn giản, khá nhỏ gọn, khả năng lau nhà không sạch bóng như gương, không lau được các vết bẩn cứng đầu, nhưng mức sạch vẫn vừa đủ; cảm biến thông minh, điều khiển qua App dễ dàng. Và quan trọng là nó thuyết phục được mình ở chỗ pin khủng, thời gian hoạt động dài, thiết lập chế độ, khu vực dọn dẹp.
- Hạn chế: Mình vẫn mong Xiaomi Roborock Gen 2 có thể lau sạch được các vết bẩn cứng đầu. Roborock Gen 2 kém Mijia Gen 2 và Gen 3 ở chỗ không có khả năng bơm nước chủ động, chỉ có thể thấm qua giẻ và lau. Nếu nhà bạn có nhiều phụ nữ, nhiều tóc rụng dài thì xác định nó sẽ cuốn cả tóc vào bánh xe. Con này không thể hoạt động trên thảm cao.
Lời kết
Xiaomi Roborock Gen 2 chưa phải là robot hút bụi lau nhà hoàn hảo nhất, có ưu điểm nổi bật, nhưng cũng có một số hạn chế nhất định. Nhưng về cơ bản mình thấy xài con này tốt, ổn, giá thành vừa tầm, đáng mua.
Tuy nhiên, nếu có điều kiện các bạn có thể tìm đến các dòng robot hút bụi cao cấp hơn. Nói chung là sự sáng tạo là không giới hạn, chỉ có tiền là có giới hạn, đồ xịn thì ai cũng muốn, nhưng chúng ta cũng nên cân nhắc điều kiện tài chính và nhu cầu sử dụng trước khi mua.